Bỏ heo nuôi dê, hướng đi mang lại hiệu quả thiết thực của ông Trần Huệ Trí
Từ nuôi vài con heo để giải quyết cơm thừa, canh cặn, đến năm 2006, gia đình anh Trí xây chuồng nuôi 04 con heo nái, mỗi năm anh bán ra từ 40 – 50 heo con và từ 30 – 40 con heo hơi. Thời gian hơn 10 năm nuôi heo, giá heo hơi lại bấp bênh, thức ăn giá ngày càng tăng, chưa tính đến rủi ro vì dịch bệnh. Do đó, anh Trí bỏ chuồng không còn nuôi heo nữa. Vốn là người thích nghề chăn nuôi, năm 2016, anh Trí có dịp đi tham quan mô hình nuôi dê ở xã Tân Hưng, gặp ông chủ nuôi dê giới thiệu: “Nhờ nuôi dê mà cho con học đại học khỏe re, dê nái cho 02 lứa/năm, đầu tư nhẹ, ít bệnh, nguồn thức ăn dễ kiếm” … nên anh Trí tìm hiểu và quyết định “nuôi thử 02 con dê bầu”.
Nói là “Nuôi thử” nhưng anh Trí đã tìm hiểu, mổ xẻ dữ lắm và đi rất nhiều chỗ để học hỏi mỗi nơi một chút”. Cặp dê đầu tiên sinh ra dê con thì “vỗ béo bán con đực để mua thêm con khác, nuôi con cái lấy nền gầy đàn tiếp”, nên đàn dê của anh Trí tăng dần lên đến trên 60 con, năm 2019, anh có trong tay 22 con dê cái, từ đó anh mạnh dạn đầu tư thêm chuồng trại. Về kỹ thuật nuôi, chăm sóc dê thì với am hiểu và kinh nghiệm của mình, anh Trí cho rằng “dễ ợt” anh nói dê ăn được các loại cỏ trồng và cả cỏ mọc tự nhiên, lá cây, hèm bia và xác đậu; phòng bệnh cũng đơn giản và ít khi bị bệnh … Nuôi với số lượng nhiều nên anh chia ra: Con đực vỗ béo, cắt cỏ nhà con ăn. Con nái bầu và nuôi con thì một cử cỏ, một cử thức ăn gia xúc (thức ăn heo). Anh Trí cho hay, anh có trồng 1,5 công cỏ VAO6, rau lang, so đủa, cỏ voi và một số cỏ mọc tự nhiên, trồng thêm mít, chuối … và có máy xay ra trộn phụ phẩm cho dê ăn. Mỗi năm, anh Trí có trong tay từ 70 – 80 con dê, trong đó hơn 20 con dê nái, 7 – 8 con hậu bị và 40 – 50 dê con, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Nói là nuôi dê đơn giản, nhưng có người đến hỏi mua dê thì anh không bán ngay, mà đến tận nhà để xem chuồng trại, kể cả hỏi thăm người nuôi làm công việc gì hàng ngày … mới bán. Anh Huệ Trí lý giải việc chọn lọc người mua là nhằm đảm bảo người nuôi “hễ nuôi thì sẽ đạt”.
.jpg)
Chú thích ảnh: Quang cảnh anh Trần Huệ Trí đang săn sóc dê.
Chúng tôi trao đổi với anh Trí: “Người muốn nuôi dê nên bắt đầu như thế nào”, anh Trí nói: Nên bắt đầu từ 02 con nái mang bầu và phải tới những chỗ có uy tín để được hướng dẫn tận tình, không nên nuôi tự phát, theo phong trào. Anh Trí xởi lởi: Nuôi dê bầu chỉ vài tháng thì dê sinh sản, người nuôi mau lấy lại vốn, nên hăng hái phát triển đàn. Trong khi bắt đầu nuôi từ con dê con thì phải biết chọn dê chuẩn và mất vài ba năm. Còn phải biết con dê ở chuồng kiểu nào. “dê chịu chuồng sàn, chớ không chịu nền xi măng; đóng sàn chuồng khít quá thì lá cây vướng dưới đó sẽ mục ướt, trong khi con dê thích ở khô ráo; còn thưa quá thì đi lọt giò. Con dê không sừng chui lỗ nhỏ ra máng ăn thì được; dê có sừng thì vướng. Rồi cái kích cở nó đứng ăn thọt mỏ xuống chỗ nào nữa …” Nói chung, ai nuôi dê thì anh bán con giống, hướng dẫn đóng chuồng, cách săn sóc để đảm bảo cho họ nuôi đạt”.
Là thành viên của hợp tác xã chăn nuôi bò, dê “Thái Bình”, thuộc ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, anh Trí đang cùng Ban lãnh đạo hợp tác xã, bà con xã viên, chính quyền địa phương tìm hướng phát triển bền vững cho hợp tác xã, nhất là giải quyết khâu lao động nhàn rỗi tại địa phương, tránh bỏ xứ đi làm ăn xa, để góp phần cùng địa phương giữ vững xã nông thôn mới và từng bước xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Riêng về chăn nuôi dê, anh Trí khẳng định: “Nuôi đúng kỹ thuật thì 05 con dê nái kiếm 100 – 200 triệu/năm là bình thường”. Từ nỗ lực cải thiện kinh tế gia đình và cùng bà con xã viên vươn lên, anh Trí đúc kết: Làm nông ngày nay muốn cho hiệu quả thì cần áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nắm bắt thị trường, liên kết với nhau.
Ông Võ Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hữu cho hay, bên cạnh việc phấn đấu vươn lên thoát nghèo, ông Trần Huệ Trí là một nông dân gương mẫu tại địa phương, luôn cần cù, siêng năng, đam mê học hỏi kinh nghiệm và biết chia sẻ với mọi người, không chỉ được bà con trong xóm ấp kính trọng, ông Trí còn được các cấp biểu dương, khen thưởng, tinh thần vượt khó và là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện nhiều năm liền và đang phấn đấu trở thành nông dân giỏi cấp tỉnh. Ông Trần Huệ Trí mong muốn: Khi hợp tác xã đi vào hoạt động ổn định, mong sao bà con xã viên ai cũng phát triển, biết áp dụng khoa học kỹ thuật và đảm bảo đầu ra, giá cả ổn định, từ đó, bà con xã viên không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, mà hợp tác xã ngày càng giàu mạnh và dần dần lan tỏa cho bà con nông dân gần xa, cùng góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Bài và ảnh: Sóc Ca.